Gọi là chợ nổi vì chợ họp ở trên sông nước. Giữa một vùng sông nước bao la là hàng trăm ghe thuyền của cư dân quanh vùng về đây họp chợ.
Hơn một thế kỷ trước, sách "Gia Định thành công chí" của Trịnh Hoài Đức có mô tả nét sinh hoạt trên sông nước ở miền Tây Nam Bộ "Nơi đây chỗ nào cũng có ghe, thuyền neo đậu hay dùng thuyền làm nhà ở, hoặc để đi chợ, hoặc để đi thăm người thân thích hoặc chở gạo củi đi buôn bán rất tiện lợi. Ghe thuyền chật sông, ngày đêm đi lại không ngớt...". Từ đó ta có thể khẳng định cư dân đồng bằng sông Cửu Long coi trọng con sông, bến nước là phương tiện để sinh sống và trong đó "Chợ" không thể thiếu được trong đời sống của con người.
Chợ nổi trên sông có từ lâu đời kể từ khi lưu dân miền Ngũ Quảng vào đây sinh cơ lập nghiệp. Từ một vùng đất hoang sơ có nhiều cây dại, thú dữ mà người xưa đã mô tả: "Chèo ghe sợ sấu cắn chân, xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma". Vậy mà chỉ qua vài thế kỷ, bàn tay lao động của con người cần cù khai phá đã làm thay đổi diện mạo cuộc sống ở đây. Nhà cửa " Tôi Là Cò ", làng xóm được thành lập song song với sự phát triển kinh tế nông nghiệp, sản phẩm lúa gạo tăng nhanh tạo cho sự giao lưu mua bán, trao đổi phẩm vật phát triển mạnh, trong đó có việc mua bán bằng đường sông. Đây là nét sinh hoạt đặc trưng của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Những chiếc ghe thương hồ xuôi ngược trên sông rạch, biến cuộc sống trên sông nước thành đời thường của nhiều lớp người, luôn được nhắc nhở qua câu ca: "Đạo nào vui bằng đạo đi buôn. Xuống biển lên nguồn, gạo chợ nước sông".
Từ những chiếc ghe thương hồ trên sông nước dần dà quây quần lại ở khu vực ngã ba, ngã tư sông và trở thành nơi họp chợ. Nông phẩm là các loại trái cây, rau củ tự sản, tự tiêu, trong khi ghe thương hồ thì chở sản phẩm từ phố thị về đây như bánh kẹo, đường, đậu, vải vóc...
Ngày nay chợ nổi bán đủ các loại nông lâm thủy sản, những vật dụng quen thuộc từ trái cây cho đến khô cá, khô tôm, mắm, gạo, muối, quần áo, sữa, đường... Nhìn chung hàng hóa cũng thiên hình vạn trạng, nếu ở phố chợ có cái gì ở chợ nổi gần như có thứ đó.
Chợ họp từ sáng tinh mơ cho đến quá trưa, có nơi họp suốt cả ngày, sinh hoạt tất bật, hối hả trong tiếng nói cười rộn rã. Rộn rịp nhất là vào buổi sáng. Thuyền ghe tấp nập, chen lách trên mặt nước. Tiếng chào mời mua bán lẫn tiếng gọi nhau ơi ới, cùng với tiếng máy nổ của động cơ... làm vang động cả một vùng sông nước. Thuyền nào thuyền nấy đầy ắp cả hàng hóa, nhiều nhất là thuyền chở trái cây, mùa nào thức ấy: chôm chôm, sầu riêng, cam, bưởi, măng cụt, xoài, dưa hấu... sản vật của vùng sông rạch: tôm, cua, cá, hàu, rau tươi, bông súng... Ngay cả các loại dịch vụ ăn uống, hớt tóc, uốn tóc, may mặc... cũng diễn ra ngay trên sông nhằm thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng và sinh hoạt. Đặc điểm riêng của chợ nổi là mỗi ghe bán món gì thì treo lủng lẳng món ấy lên một cây tre dài cắm ở đằng mũi, có khi đến vài chục món, từ cao xuống thấp mà giới đi buôn gọi là "bẹo", đó là cách tiếp thị hàng hóa. Cứ nhìn "bẹo" để đánh giá phiên chợ có nhiều hàng hóa hay không.
Nói đến chợ nổi trên sông thì có thể nói khắp vùng sông nước miền Tây Nam bộ nơi nào cũng có. Tuy nhiên, nổi tiếng hơn cả là chợ nổi Phong Điền, Cái Răng (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang), Phụng Hiệp (Hậu Giang), chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long), Gành Hào (Cà Mau). Ở mỗi nơi có một sắc thái nhưng tựu trung đa phần hàng hóa là nông sản miệt vườn. Chợ nổi đã đi vào ca dao như: "Phong Điền chợ nổi trên sông. Bồng bềnh mặt nước chợ đông sớm chiều".
Đất phương Nam mênh mông, sản vật hào phóng, sông rạch chằng chịt tạo nên đường giao thông tiện lợi. Chợ nổi là nét sinh hoạt độc đáo của người dân vùng châu thổ Cửu Long từ bao đời nay.
Minh Đạt
![]()
Bookmarks